Trước đó, ngày 23 tháng 9 năm 2020, tại tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi làm việc với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô nmă 2020-2021. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; các đồng chí đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả đã đạt được
Mùa khô năm 2019-2020, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện sớm, sâu, kéo dài nhất trong lịch sử. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương đã tập trung chỉ đạo sớm, kịp thời, quyết liệt, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, sự chủ động ứng phó của người dân, nên kết quả công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đã đạt được những kết quả tích cực, giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh, thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến dân sinh thấp hơn nhiều mùa khô năm 2015-2016; sản xuất nông nghiệp vừa được mùa, vừa được giá, đời sống nhân dân được bảo đảm (sản lượng sản xuất lương thực cả nước vẫn bảo đảm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu trên 4,6 triệu tấn gạo trong 8 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019).
Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời gia tăng các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các nước thượng nguồn sông Mê Công, nên Việt Nam mặc dù đã đạt được các kết quả trên nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và người dân trong vùng cần nhận thức nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn, đây là vấn đề khó tránh, cần coi là thực tế bình thường trong đời sống của người dân để có các giải pháp thích nghi, chung sống, tận dụng những cơ hội, hạn chế nguy cơ, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mưa trên lưu vực sông Mê Công các tháng cuối năm 2020 có thể cao hơn trung bình nhiều năm nhưng nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 vẫn sẽ xuất hiện sớm và gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long, có thể tương đương như năm 2015-2016, thậm chí có thể như năm 2019-2020, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Theo Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 theo Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có phương án lâu dài, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch chung toàn vùng.
Nhiệm vụ trước mắt
Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần làm tốt công tác dự báo, truyền thông để thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ đến người dân về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2020-2021; vận động, hướng dẫn người dân chủ động có các biện pháp phòng, chống phù hợp theo phương châm “bốn tại chỗ”, bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính” (mỗi hộ gia đình, mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chủ vườn phải chủ động các biện pháp phòng, chống, chủ động trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất; nhà nước hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn). Chủ động bảo đảm nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt với phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt. Chính quyền các cấp ở địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từ nay đến hết mùa khô, có giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt, nhất là nguồn nước cho các nhu cầu thiết yếu như nước sinh hoạt cho người dân, nước cho bệnh viện, trường học, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao (nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm khoanh vùng để trữ nước ngọt; xây dựng hồ chứa nước ngọt; đầu tư các bể chứa, bồn chứa, kéo dài hệ thống đường ống…).
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch đảm bảo sản xuất nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trái cây, thủy sản, giảm diện tích trồng lúa; quán triệt, hướng dẫn người dân tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và chỉ đạo của chính quyền địa phương chỉ gieo trồng lúa ở các vùng đảm bảo nguồn nước tưới để tránh thiệt hại; tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật về thủy lợi (nạo vét, tích trữ nước, đắp đập tạm, bơm) để tăng cường nguồn nước. Cùng với việc triển khai các giải pháp phòng, chống nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, các địa phương trong vùng cần theo dõi sát tình hình mưa lũ trên lưu vực sông Mê Công để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời khi có lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của người dân, trong đó cần tập trung triển khai các biện pháp hạn chế tai nạn đuối nước trong mùa lũ, nhất là đối với trẻ em, bảo đảm an toàn đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với lũ lụt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, tổ chức dự báo chuyên ngành về xâm nhập mặn để phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn các địa phương có phương án trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất (trong đó cần chủ động tích trữ nước theo quy mô hộ gia đình, quy mô thôn, ấp, xã, phường, huyện, tỉnh ngay từ cuối mùa mưa lũ); chỉ đạo, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ sản xuất; hướng dẫn địa phương thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong trồng trọt, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, giúp người dân ứng phó hiệu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa, cây trồng có giá trị kinh tế cao và chăn nuôi gia súc. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi, công trình kiểm soát mặn, trữ nước, cấp nước sinh hoạt, nhất là công trình ở vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để góp phần kiểm soát mặn, trữ ngọt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thủy văn, diễn biến nguồn nước thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long, diễn biến xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tích hợp số liệu quan trắc mặn, mực nước nội đồng tại các trạm chuyên dùng vào hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ theo dõi giám sát, dự báo cảnh báo xâm nhập mặn.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý nguồn nước nhằm bảo đảm sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phòng, tránh dịch bệnh khi hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.
Nhiệm vụ lâu dài
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cần đẩy nhanh việc nghiên cứu đánh giá tác động của các hồ chứa thủy điện và việc tăng cường sử dụng nước tại các nước thượng nguồn Mê Công đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp ứng phó lâu dài phù hợp.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long rà soát phương án bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là tại khu vực ven biển và vùng bán đảo Cà Mau để đưa vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư, huy động các nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện (cần quy hoạch rõ ở khu vực nông thôn những nhà máy nước nào, khu vực thành thị những nhà máy nước nào, có biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề nước sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tính toán cân đối khả năng bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đó chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động được về nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng, sử dụng ít nước. Chỉ đạo, hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân nhằm tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, công nghệ mới trong phát triển giống cây trồng, sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, hiệu quả để chủ động thích ứng với các tác động ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan (nhất là các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường) và các địa phương khẩn trương xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo quy định của Luật Quy hoạch, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình trong quý IV/2020 như đã được giao tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó lưu ý kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu quy hoạch chuyên ngành trước đây, đồng thời nghiên cứu kỹ các vấn đề mới phát sinh tác động đến vùng để có quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư 5 năm, 10 năm, 20 năm để chỉ đạo, thực hiện bài bản hơn.
Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch tỉnh, trong đó rà soát lại phương án sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đầu tư xây dựng các công trình chủ động kiểm soát mặn, trữ ngọt (xây dựng cống kiểm soát mặn, đập ngăn mặn ở các vị trí phù hợp hạn chế tác động đến giao thông thủy và ô nhiễm môi trường; bổ sung hồ, bể, khu vực trữ nước,…).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các địa phương và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo thực hiện biện pháp trữ nước sinh hoạt, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt nông thôn, khắc phục tình trạng phải vận chuyển nước ngọt cung cấp cho người dân hàng năm như hiện nay.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng các kênh song phương, diễn đàn, cơ chế hợp tác khu vực để thu thập, chia sẻ thông tin về nguồn nước và điều tiết nước của các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Mê Công, phục vụ công tác dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với các Bộ, ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; các ngành phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương xử lý những vấn đề bức xúc đặt ra đối với Đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu.
Ngọc Thúy – FICen